Kiến trúc và nội thất với thiết kế chiếu sáng

Về mặt lý thuyết ánh sáng là một hiện tượng vật lý và thông tin rất rộng. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi đề cập đến chiếu sáng và thiết kế chiếu sáng cho kiến trúc ngoại thất và nội thất công trình nhà ở. Nội dung chính gồm các phần sau :

1. Các loại ánh sáng trong kiến trúc và nội thất

2. Khái niệm về thiết kế chiếu sáng kiến trúc ngoại thất nhà ở

3. Khái niệm về thiết kế chiếu sáng nội thất nhà ở

4. Chiếu sáng trong thiết kế nội thất như thế nào là đạt hiệu quả ?

Các loại ánh sáng trong kiến trúc và nội thất

Nếu phân loại theo mục đích của chiếu sáng theo thứ tự mức độ từ thấp đến chúng ta có các loại như sau : chiếu sáng để làm việc, chiếu sáng cho đi lại hoặc giao tiếp và chiếu sáng để tạo mỹ quan cho công trình nhằm mục đích mang lại cảm xúc cho người thụ hưởng.

Phân loại nguồn sáng có ánh sáng từ nguồn tự nhiên như mặt trời và từ nguồn nhân tạo như các loại đèn. Các loại đèn hiện tại có nhiều dãy sáng (quang phổ) khác nhau nhưng có thể phân thành 3 nhóm chính : daylight (đèn ánh sáng “trắng” giả lập ánh sáng mặt trời nhưng có tính “lạnh”, warmlight (ánh sáng vàng nhạt có tính “ấm” hơn) và halogen light (ánh sáng từ sợi đốt giả lập ánh sáng từ ngọn lửa có tính “nóng”).

Phân loại theo hướng chiếu sáng thì có chiếu sáng trực tiếp và chiếu sáng gián tiếp hoặc phản quang. Chiếu sáng trực tiếp là ánh sáng có thể đi thẳng đến mắt người thụ hưởng như ngọn nến, ngọn đèn, tấm biển hiệu quảng cáo đèn Led… Chiếu sáng gián tiếp thì ánh sáng đi đến một vật thể làm phát sáng và ánh sáng được cảm nhận từ vật thể phản chiếu (phản quang) hoặc khếch tán đến mắt người thụ hưởng. Chiếu sáng trực tiếp cho ánh sáng mạnh ít tiêu hao năng lượng nhưng gây khó chịu cho người thụ hưởng khi ánh sáng có cường độ cao gây chói mắt liên tục, ngược lại chiếu sáng gián tiếp cho ánh sáng dịu và thân thiện hơn.

Khái niệm về thiết kế chiếu sáng kiến trúc ngoại thất nhà ở

Chiếu sáng kiến trúc hoặc còn gọi là chiếu sáng ngoại thất gồm có 2 phần sau : chiếu sáng công trình chính và chiếu sáng sân vườn.

Chiếu sáng công trình chính, tùy thuộc vào loại hình kiến trúc mà có cách thiết kế khác nhau. Đối với nhà ở có kiến trúc cổ điển thì dùng ánh sáng mạnh tập trung vào các chi tiết như cột , tường, phù điêu, đường viền,… Đối với nhà ở có kiến trúc hiện đại thì thường có không gian mở và ánh sáng hắt ra từ nội thất sẽ là một phần trong thiết kế chiếu sáng tổng thể nên ánh sáng được thiết kế sẽ nhẹ nhà hơn và tập trung và các mặt phẳng hoặc đường viền nhiều hơn.

Khi thiết kế chiếu sáng công trình cổ điển thì thường góc chiếu sáng sẽ nhỏ để tạo được sự chuyển sáng mạnh và có bóng đổ nhằm làm nội bật chi tiết đặc biệt cho các thành phần cao dài như cột hoặc hốc tường. Ngược lại chiếu sáng công trình hiện đại thường lại cần có ánh sáng đều trên một mặt phẳng nên góc chiếu sẽ lớn hơn. Các loại đèn chọn có thể là đèn chiếu xa ánh sáng mạnh và góc rộng như đèn pha, đèn chiếu tập trung góc nhỏ như đèn spotlight.

Chiếu sáng sân vườn, tùy ý đồ thiết kế mà có thể linh hoạt dùng nguồn trực tiếp cho các thành phần như đèn dưới hồ cảnh, suối, thác nước hoặc gián tiếp cho các thành phần cây cối biển bảng thông tin. Có thể chọn các loại đèn có ánh sáng nhiều màu sắc theo chủ đề thiết kế như vàng ấm, xanh lá, xanh dương. Ngoài ra còn có các loại đèn đặc biệt tạo hiệu ứng, đèn có cảm biến tự bật tắt và đèn dùng năng lượng mặt trời có bộ lưu điện.

Khái niệm về thiết kế chiếu sáng nội thất nhà ở

Chiếu sáng nội thất nhà ở gồm có các phần sau : chiếu sáng theo không gian, chiếu sáng theo sự kiện và chiếu sáng sảnh – lối đi – cầu thang.

Chiếu sáng theo không gian, mỗi không gian hoặc phòng trong nhà ở cần có tính toán thiết kế ánh sáng khác nhau. Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì mỗi phòng cần có 2 phần ánh sáng chính là ánh sáng nền và ánh sáng tập trung. Ánh sáng nền thường là gián tiếp và trên các diện hướng về mắt người thụ hưởng thường xuyên, ví dụ khi ta bước vào một căn phòng thì cảm nhận phòng đó sáng hay không chính là nhờ độ sáng của các diện tường bao quanh sau đó tới trần và sàn nhà. Ánh sáng tập trung nhằm thu hút hoặc “dẫn hướng” thị giác người thụ hưởng, ví dụ như các chiếu sáng cho mặt phẳng làm việc, sinh hoạt như bàn viết, chổ đọc sách, bàn uống trà, tranh ảnh, phù điêu trên tường, đồ vật trang trí trên tủ, kệ…

Chiếu sáng theo sự kiện, thường dành cho các phòng có các công năng thay đổi hoặc mức độ sử dụng nhiều nhằm tăng cường hoặc nhấn mạnh bằng những “kịch bản” chiếu sáng khác nhau. Ví dụ khu vực phòng khách kiêm giải trí thì khi xem phim cần ánh sáng nền nhẹ và không cần chiếu sáng tập trung, ngược lại phòng ăn khi có đại tiệc cần có chiếu sáng mạnh nhiều hơn để gây cảm giác thu hút và ăn ngon hơn với khách đông hơn bình thường.

Chiếu sáng sảnh – lối đi – cầu thang, thiết kế chiếu sáng các khu vực này cần có tính toán cụ thể và chọn các loại đèn chiếu sáng theo thiết kế chi tiết của không gian kiến trúc nội thất. Vật liệu có màu càng tối, càng ít phản quang thì càng cần chiếu sáng mạnh, vật liệu càng xù xì thì càng cần được chiếu sáng nhiều hơn. Để tiết kiệm năng lượng cho các không gian này chủ nhà có thể chọn hướng thiết kế bằng hệ thống cảm biến tắt mở hoặc tăng giảm theo thời gian hoặc theo sự kiện, một ví dụ thường thấy là công tắc 2 chiều của cầu thang để tắt mở thuận tiện hơn cho từng tầng khi di chuyển. Hệ thống thông minh trong nhà ở nếu có sẽ tích hợp điều khiển các hệ thống này.

Chiếu sáng trong thiết kế nội thất như thế nào là đạt hiệu quả ?

Thiết kế chiếu sáng nội thất hiệu quả khi đạt được các yếu tố sau :

  • a) phù hợp thiết kế không gian nội thất , chiếu sáng nội thất phù hợp sẽ tăng hiệu quả thẩm mỹ. Một không gian làm việc cần ánh sáng trắng trong khi một không gian sinh hoạt ánh sáng vàng ấm phù hợp hơn. Một phòng có nhiều cửa sổ hoặc nguồn sáng mạnh và trực tiếp không thể ấm cúng nhẹ nhàng nếu không có giải pháp cân bằng ánh sáng bằng màu sắc vật liệu.
  • b) thiết kế chiếu sáng đủ lượng sáng cần thiết cho từng không gian nếu thiết kế dư thừa vừa tốn chi phí điện năng do dùng đèn nhiều vừa làm cho người thụ hưởng khó chịu. Các cụm đèn được thiết kế cùng hệ thống bật tắt phù hợp có thể làm tăng giảm ánh sáng khi cần thiết cho từng thời điểm hoặc sự kiện.
  • c) chiếu sáng hợp vệ sinh môi trường, nghe có vẻ hơi kỳ lạ nhưng thiết kế chiếu sáng với ánh sáng phù hợp cho ta cảm giác sạch sẽ và vệ sinh hơn. Một ví dụ phòng thiếu sáng hoặc ánh nắng tự nhiên sẽ mang lại cảm giác ẩm thấp hơn là phòng được tính toán ánh sáng đủ vào các góc khuất. Lợi dụng hướng chiếu sáng thay đổi hàng ngày để “quét” sạch phòng là một giải pháp thông minh của ngừoi thiết kế chuyên nghiệp. Một điều mà chủ nhà cần biết là ánh sáng trắng (daylight) thu hút côn trùng hơn ánh sáng vàng ấm (warmlight), do vậy nếu chưa quen với việc dùng ánh sáng vàng thì chủ nhà nên chọn giải pháp thiết kế nhiều “kịch bản” để thay đổi trong đó có việc sử dụng ánh sáng trắng có pha trộn ánh sáng vàng ấm.
  • d) thiết kế đạt hiệu quả thẩm mỹ và kinh tế, từ việc tính toán chọn công suất đèn, sơ đồ web (cách thức được thiết kế trong đèn để tạo ra dãy ánh sáng, quầng sáng và chuyển sáng sang tối), cách chiếu sáng đến mẫu mã hình dáng các loại đèn cần cân bằng được giữa yêu cầu thẩm mỹ và kinh tế. Việc chọn đèn giá trị cao về thẩm mỹ bên ngoài chưa chắc đạt được các tiêu chí về thẩm mỹ chiếu sáng và ngược lại.

Một ngôi nhà tiện nghi, đẹp và hoàn chỉnh cần có sự đầu tư cho phần thiết kế chiếu sáng tốt, đây là một lĩnh vực có yêu cầu chuyên môn vững không phải chỉ là kỹ thuật mà còn là nghệ thuật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *